UBND HUYỆN BẢO LÂM TRƯỜNG PT DTNT BẢO LÂM Số : / QTUX-DTNT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Bảo lâm,ngày.2015
|
QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ
CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
của TRƯỜNG PT DTNT BẢO LÂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09 ngày tháng 12 năm 2017 của Hiệu trưởng Trường PT DTNT Bảo Lâm )
I. Căn cứ để đề ra các quy tắc đạo đức và ứng xử của nhà giáo:
1. Căn cứ vào Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 5/12/2015 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 12-HD/BTGTW ngày 27/7/2015 của Ban tuyên giáo Trung ương; Kế hoach số 17-KH/TU ngày 23/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 07-KH/HU ngày 04/10/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2. Căn cứ Quy định về đạo đức nhà giáo, ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ- BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.Căn cứ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/ QĐ- BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
4. Căn cứ vào Luật viên chức có hiệu lực từ ngày 01/01/2012.
5. Căn cứ vào thong tư số 12 /2011/TT-BGD-ĐT ngày 28/3/2011 về việc ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường trung học phổ thông nhiều cấp học, thong tư số 01/2016/TT-BGD-ĐT ngày 15/01/2016 về việc ban hành quy chế hoạt động của trường PT DTNT .
6. Căn cứ ý kiến thống nhất tại hội nghị liên tịch giữa nhà trường, Tổ chức Công Đoàn và Đoàn thanh niên ngày tháng năm 2017 về các nội dung quy chế soạn thảo được thông qua tập thể.
II: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định các chuẩn mực đạo đức và xử sự của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trường PT DTNT Bảo Lâm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh học sinh và trong xã hội.
2. Đối tượng áp dụng là tất cả cán bộ công chức, viên chức trực thuộc trường PT DTNT Bảo Lâm
III. Mục đích
1. Quy định các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử của cán bộ công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực.
2. Là căn cứ để nhà trường xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức và xử sự trong thi hành nhiệm vụ và trong các mối quan hệ công tác, đồng thời là căn cứ để đánh giá xếp loại và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, viên chức.
3. Thực hiện công khai các hoạt động nhiệm vụ, công vụ và các mối quan hệ công tác của cán bộ, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
IV.Chuẩn mực đạo đức của nhà giáo
1. Phẩm chất chính trị
1.1. Chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
1.2. Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự phân công của cấp trên; có ý thức vì tập thể sư phạm, tập thể học sinh của nhà trường, luôn phấn đấu vì sự nghiệp chung, bảo vệ danh dự, uy tín của nhà trường và tập thể sư phạm, giữ gìn và phát huy truyền thống “ Dạy tốt - Học tốt” và danh hiệu trường “ Đạt chuẩn quốc gia”.
1.3.Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.
2.Đạo đức nghề nghiệp
2.1. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với học sinh, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của học sinh, đồng nghiệp và cộng đồng.
2.2. Tận tụy với công việc được giao; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của nhà trường, của ngành.
2.3.Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá khách quan, đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
2.4. Có thiện chí, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng thời luôn chân tình đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cho lãnh đạo; thường xuyên tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
3.Lối sống, tác phong
3.1. Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
3.2. Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.
3.3. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với học sinh; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo.
3.4. Trang phục đúng nội quy khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cần thiết phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán chú ý của học sinh. Giáo viên lên lớp phải có cà vạt với Nam, áo dài với nữ, đeo bảng tên công vụ theo quy định. Ngày lễ phải có lễ phục: veston, áo dài…nam phải đi giày
3.5.Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp.. Quan hệ ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và học sinh.
3.6.Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; chăm sóc con cái học hành thật tốt, ngoan ngoãn, lễ phép; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng.
3.7. Luôn ý thức có trách nhiệm đối với tương lai của mỗi học sinh, với tiền đồ của dân tộc.
4. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo
4.1.Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà cho học sinh và nhân dân.
4.2. Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
4.3.Không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của học sinh và đồng nghiệp.
4.4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
4.5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.
4.6. Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
4.7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
4.8. Không gây bè phái, làm mất đoàn kết trong hội đồng sư phạm và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
4.9. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
4.10. Không trốn tránh nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
4.11. Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như : cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu trữ, truyền bá văn hoá phẩm độc hại.
V. Chuẩn mực xử sự của nhà giáo trong thi hành nhiệm vụ, công vụ
1.Trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức
1.1. Phát hiện việc thực hiện sai hoặc không đầy đủ, không đúng quy định của đồng nghiệp để kịp thời đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc phản ánh với Ban giám hiệu.
1.2.Dạy học và giáo dục đúng theo chương trình, kế hoạch quy định; kiểm tra, đánh giá theo quy định; vào điểm, nhập điểm, ghi học bạ đầy đủ, đúng hạn; ra vào lớp đúng giờ, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục, tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; tích cực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện phương châm giảng dạy của nhà trường.
1.3.Thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, của lãnh đạo cấp trên; chịu sự kiểm tra của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.
1.4. Thực hiện Luật giáo dục, Luật viên chức, điều lệ trường học, quy chế của ngành, các quy định nội bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công chức, viên chức.
1.5. Hưởng ứng một cách tích cực các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành, của trường.
1.6.Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo; đối xử công bằng, tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền lợi chính đáng của học sinh.
2. Quy định về việc chấp hành các quyết định đối với đội ngũ sư phạm nhà trường
2.1.Cán bộ, giáo viên, nhân viên khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải chấp hành quyết định, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phải phối hợp với các thành viên khác của Hội đồng sư phạm nhà trường . Khi thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền nếu cán bộ, giáo viên, nhân viên phát hiện quyết định đó trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tiễn thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra do thực hiện quyết định đó,
2.2. Ban giám hiệu phải thường xuyên kiểm tra việc giáo viên, nhân viên thực hiện quyết định, các ý kiến chỉ đạo, cùng với lắng nghe ý kiến của giáo viên, nhân viên về tính khả thi và tính hợp lệ của các quyết định đã đưa ra để điều chỉnh kịp thời.
3. Quy định trong giao tiếp
3.1.Cán bộ, giáo viên khi đến trường giảng dạy, làm việc, hội họp tại trường và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải mặc trang phục đúng quy định; phải giữ gìn uy tín, danh dự cho nhà trường, lãnh đạo và đồng nghiệp.
3.2.Trong giao tiếp với nhân dân, phụ huynh học sinh tại trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải có thái độ lịch sự, hoà nhã, văn minh. Luôn thương yêu và tôn trọng học sinh.
3.3. Ban giám hiệu phải nắm bắt kịp thời tâm lý của giáo viên, nhân viên để có cách thức điều hành phù hợp, nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; phát huy dân chủ, tạo điều kiện tự học, tự rèn luyện và phát huy sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, nhân viên; tôn trọng và tạo niềm tin cho giáo viên, nhân viên khi giao và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ danh dự của cán bộ, giáo viên, nhân viên khi bị phản ảnh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật.
3.4. Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tôn trọng địa vị của người lãnh đạo, phục tùng và chấp hành nhiệm vụ được giao đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, dám chịu trách nhiệm; có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành nhà trường để cho mọi hoạt động đạt hiệu quả.
3.5. Trong quan hệ đồng nghiệp, cán bộ, viên chức phải chân thành, thân thiện, nhiệt tình cộng sự bảo đảm sự đồng thuận, tạo sức mạnh chung cho sự nghiệp giáo dục và danh dự của nhà trường.
4.Những việc đội ngũ sư phạm không được làm
4.1. Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải chấp hành các quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong Luật giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật viên chức, Điều lệ trường học và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
4.2.Cán bộ, giáo viên, nhân viên khi thực thi nhiệm vụ, công vụ không được mạo danh để giải quyết công việc; không được mượn danh nhà trường, tập thể giáo viên, của lãnh đạo để thực hiện ý đồ cá nhân.
4.3. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi nhiệm vụ, công vụ do mình thực hiện gây ra hậu quả ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc vi phạm tới quyền lợi chính đáng, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp, học sinh và nhân dân.
4.4. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được có hành động quan hệ với những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm ăn bất chính ảnh hưởng đến uy tín chủa ngành và cơ quan đơn vị.
4.5. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được cố tình kéo dài thời gian hoặc từ chối sự phối hợp của đồng nghiệp khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.
4.6. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được đặt điều sai sự thật để khiếu kiện, cũng như không được che giấu, bưng bít và làm sai lệch nội dung các phản ảnh với Ban giám hiệu, hoặc với lãnh đạo cấp trên.
4.7. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được làm mất, hư hỏng tài sản , thiết bị, kỹ thuật hoặc làm mất, sai lệch hồ sơ, tài liệu của nhà trường;
4.8. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được tiết lộ các bí mật của Nhà nước, bí mật công tác, và bí mật đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
VI. Chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ xã hội.
1.Các quy định cán bộ, giáo viên, nhân viên phải làm trong quan hệ xã hội
1.1. Khi tham gia các hoạt động xã hội thể hiện văn minh, lịch sự trong giao tiếp, ứng xử để người dân tin tưởng.
1.2. Hướng dẫn người dân tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, của ngành.
1.3. Tuyên truyền phổ biến pháp luật của Nhà nước, các chủ trương đường lối của Đảng trong cộng đồng dân cư.
1.4. Vận động cộng đồng dân cư thực hiện kế hoạch dân số và gia đình, phòng chống bệnh tật, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
1.5. Cùng với cộng đồng dân cư thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá theo quy định chung của cộng đồng.
2. Các quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong quan hệ xã hội, trong ứng xử nơi công cộng
2.1. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mạo danh để tạo thanh thế khi tham gia các hoạt động trong xã hội.
2.2. Không được sử dụng các tài sản, phương tiện công cho các hoạt động xã hội không thuộc hoạt động nhiệm vụ, công vụ.
2.3.Không tổ chức các hoạt động cưới hỏi, sinh nhật, tân gia, thăng chức của bản thân và gia đình vì mục đích vụ lợi.
2.4. Không tham gia chơi cờ bạc, cá độ, sử dụng chất kích thích gây nghiện, say rượu gây gổ, cãi lộn hoặc hành hung người khác, vi phạm luật giao thông.
2.5. Không được vi phạm các quy định về nội quy, quy tắc nơi công cộng; không được vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng để bảo đảm sự văn minh, tiến bộ của xã hội.
2.6. Không được vi các quy định về đạo đức công dân đã được pháp luật quy định, các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.
2.7. Không vứt rác, làm mất vệ sinh nơi công cộng.
2.8. Không được có hành động làm hư hỏng tài sản nơi công cộng; không được có thái độ bàng quan với học sinh, đồng nghiệp, nhân dân khi có sự cố xảy ra nơi công cộng.
VII.Tổ chức thực hiện
1. Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và Tổ trưởng các Tổ Chuyên môn, HCVP, phối hợp với Công Đoàn, Đoàn thanh niên có trách nhiệm triển khai văn bản này trong cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình.
2. Trong quá trình thực hiện, khi xuất hiện những vấn đề mới đề nghị Hiệu trưởng các trường phản ánh kịp thời với ngành để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.
3. Định kỳ kiểm tra việc thực hiện của các cán bộ, giáo viên, nhân viên; xử lý nghiêm túc, kịp thời đúng pháp luật các cá nhân vi phạm Qui tắc này.
TM. BCH CÔNG ĐOÀN TM. BCH ĐOÀN TNCS HCM HIỆU TRƯỞNG
CHỦ TỊCH BÍ THƯ
Phùng Thị Hồng Phúc Nguyễn Đức Huy Nguyễn Ry
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn