Trường PT DTNT THCS Bảo Lâm

https://dtntbaolam.edu.vn


Bài viết về 20-10

BÀI VIẾT DỰ THI: CUỘC THI VIẾT VỀ “ VAI TRÒ CỦA NỮ NHÀ GIÁO, NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NỮ SINH VỚI VIỆC XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG ”
     Trải qua nghìn năm lịch sử đấu tranh chống lại các thế lực thù địch để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không thể quên đến sự hy sinh oanh liệt của bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Trong những hy sinh đó cũng phải nói đến sự hy sinh của những người phụ nữ Việt Nam. Vì nước vì non vì đất nước mà người phụ nữ Việt Nam cũng ra trận để tham gia chiến đấu góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những gương tiêu biểu về người phụ nữ trong thời kì chống giặc ngoại xâm trên các lĩnh vực phải kể đến: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định…. Và để tỏ lòng tưởng nhớ đến những hy sinh cao cả đó nhân dân Việt Nam đã lưu truyền không ít những câu ca dao tục ngữ ca ngợi về vẻ đẹp anh hùng của người phụ nữ như:
 
Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên,
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.
          Chiến tranh đã kết thúc, đất nước trong quá thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa để sánh vai với cường quốc năm châu. Trong thời bình người phụ nữ luôn tận tụy vì chồng vì con, ngoài ra còn tham gia lao động sản xuất để đóng góp sức mình trong phát triển kinh tế của gia đình và của đất nước, vẻ đẹp đó được thể hiện:
Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,
Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.
Ra ngoài giúp nước, giúp non,
Về nhà tận tụy chồng con một lòng.
Trước những hy sinh cao cả và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “ Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang ”. Và ngày 20/10 đã trở thành ngày những người phụ nữ Việt Nam được các cơ quan đoàn thể và gia đình quan tâm và tôn vinh trên tất cả các lĩnh vực công tác, sản xuất và học tập. Ngay cả ở Trường PTDTNT Bảo Lâm, các CB-CNV-GV và HS nữ cũng được quan tâm động viên kịp thời để họ lạc quan tiếp tục xây dựng trường lớp ngày càng phát triển. Sự đóng góp công sức đó phải kể đến những việc làm của các cô, các chị nhóm cấp dưỡng, tiêu biểu như cô Lê Thị Xuân, cô Hoàng Thị Vân….
Trong thời kỳ chiến tranh nhất là thời gian đất nước bị chia cắt thành hai miền, miền Bắc là hậu phương vững chắc cho miền Nam chiến đấu để đi đến thắng lợi thống nhất đất nước 30/4/1975. Nếu không có miền Bắc làm hậu phương vững chắc thì miền Nam có sức mạnh để chiến đấu không? Có lẽ ai cũng tự trả lời được câu hỏi này. Trong dân gian cũng có câu truyền miệng: “ Có thực mới vực được đạo ”. Ngay tại Trường PTDTNT Bảo Lâm, là một trường chuyên biệt, nơi hội tụ các em HS là con em đồng bào các dân tộc của các Xã trong Huyện về tây học tập và ở tại trường. Tôi thấy câu nói trên của dân gian rất đúng và các cô các chị nhóm cấp dưỡng chính là hậu phương vững chắc phục vụ cho việc dạy và học của GV với HS.
Tại sao tôi lại nói như vậy? Nếu các em không được ăn no, ăn đủ và ăn ngon trước khi lên lớp thì các em có đủ sức khỏe để ngồi nghe thầy cô giáo giảng bài không? Nếu các em không đủ sức khỏe để ngồi trong lớp thì tiết học của giáo viên có thành công không? Chính vì thế mà tôi luôn thầm cám ơn những hy sinh của các cô các chị nhóm cấp dưỡng đã chăm sóc bữa ăn cho các em HS chu đáo.
Bốn giờ sáng, thời gian mà có lẽ đa số mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Nhưng các cô dạy sớm chuẩn bị cho chồng cho con trong một ngày, sau đó phải rời chồng, rời con còn nhỏ để đến trường lo bữa sáng để các em HS kịp ăn trước khi đến lớp. Không những thế, các cô còn vượt qua bao khó khăn trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng làm nhiệm vụ như các cô, ở các Trường Nội trú trong tỉnh không khói của củi, nhưng theo chủ trương của nhà trường phải thực hiện tiết kiệm để tăng khẩu vị cho bữa ăn của các em ngon hơn, tốt hơn. Các cô đã tích cực thực hiện nấu bằng củi, mặc dù có khi cay chảy cả nước mắt như các cô vẫn vượt qua để đảm bảo cho các em ăn ngon, ăn no và ăn đủ.
 
20-11
  
 
Ngoài công việc đã được phân công, các cô cũng rất quan tâm đến sức khỏe của các em HS trong trường. Có em nào ốm các cô phân công để nấu cháo cho các em không để các em bỏ bữa. Các cô luôn tham gia tích cực các hoạt động mà Ngành, nhà trường và công đoàn phát động không một lần do dự. 
 
 
20-11

          Công việc thì vất vả, thu nhập hàng tháng thì không cao nhưng các cô vẫn không quản khó khăn, không một lời than vãn. Luôn tận tụy trong công việc mà mình đã đảm nhận để góp công sức xây dựng trường lớp tiếp tục hoạt động và phát triển. Nhờ có các cô mà lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo trong trường yên tâm về sức khỏe của HS mình khi đến lớp. Một lần nữa xin tri ân những hy sinh của các cô nhóm cấp dưỡng với những công việc mà các cô đóng góp cho nhà trường.
 
 
                                                                                GV viết
 
 
 
                                                                   Nguyễn Thị Kim Hoa.


Bài viết của cô Nguyễn Thị Diệu Hạnh


 
BÀI VIẾT DỰ THI
Cuộc thi viết về : Vai trò của nữ nhà giáo, người lao động và nữ sinh với việc xây dựng văn hóa nhà trường.
 
TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO TẬN TỤY VỚI NGHỀ
TRƯỜNG PTDTNT BẢO LÂM
Tất cả các ngành nghề trong xã hội, ngành giáo dục được xác định là nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí. Đây là ngành sản sinh ra tất cả các ngành nghề trong xã hội. Vì vậy mà Ông bà ta thường nhắc đến câu:
“Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu quí Thầy”
Ngành Giáo dục đào tạo là chìa khóa hình thành nên nhân cách và tài năng con người. Do đó vị trí của Thầy, Cô giáo trong xã hội ở mọi thời đại đều vô cùng quan trọng. Vì vậy mà ngành giáo dục Việt Nam có câu “Mỗi Thầy, Cô giáo phải là tấm gương sáng để cho học sinh noi theo”.
         Tôi thật may mắn được nhận công tác tại trường PTDTNT Bảo Lâm. Ngôi trường mến yêu, thân thiện, đồng nghiệp hòa đồng sống tình cảm, học sinh ngoan ngoãn….làm cho tôi rất ấn tượng ngay từ buổi đầu tiên mới bước chân vào trường . Cũng từ buổi gặp mặt ấy, có  những người thầy, người cô luôn nhiệt tình giúp  tôi vượt qua những lúc khó khăn bỡ ngỡ lúc ban đầu để có sự tự tin trong công tác như ngày hôm nay. Tôi luôn ghi nhớ và thầm biết ơn những tình cảm cao đẹp ấy. Bên cạnh đó tôi cũng không quên hình ảnh một cô giáo có dáng người hơi nhỏ mảnh mai, giọng nói ấm áp nhẹ nhàng và rất gần gũi, thân thiện luôn nhắc nhở, chia sẽ. Cô chính là Nguyễn Thị Tài-Hiệu phó trường tôi với vẻ ngoài vui vẻ mà nội tâm của cô cùng những việc cô đã làm đều để lại cho tôi lòng yêu mến, kính trọng .
       Cô sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Thọ. Với tấm lòng yêu trẻ và mong muốn được đóng góp sức mình trong sự nghiệp giáo dục trẻ thơ, ngày ra trường, với sức trẻ cùng bầu nhiệt huyết được cống hiến, cô tình nguyện lên công tác tại huyện miền núi Yên Lập ở một xã khó khăn nơi mà đời sống của người dân còn nghèo lắm, chủ yếu là dân tộc Mèo, Mường, Nùng….sinh sống - nơi mà các em nhỏ còn đang mong chờ khát khao từng con chữ. Tại nơi đây, cô như bông hoa toả hương giữa núi rừng, cô say xưa với công tác trồng người, đem cái chữ tới từng nhà. Bản làng ai ai cũng vui vì được cô giáo vừa giỏi, vừa đẹp dạy cho cái chữ, dạy cách ăn, cách ở văn minh. Đây là quãng thời gian đầy ắp những kỉ niệm cùng đồng bào dân tộc nơi đây. Do hoàn cảnh gia đình, một mình dẫn ba người con rời nơi chôn nhau cắt rốn chuyển vào sinh sống tại mảnh đất Lâm Đồng để tiếp tục sự nghiệp. Những năm đầu vào nơi đất lạ, cô công tác tại trường cấp II, III Bảo Lâm một trường học gần Trung tâm huyện để tiếp tục học hỏi phát triển nghề  nghiệp yêu trẻ của mình.  Ở môi trường dạy học mới, cô không ngừng phát huy năng lực chuyên môn của mình. Nhiều năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và liên tục hai năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Hơn mấy mươi năm công tác cô luôn phấn đấu, tự học , tự rèn luyện để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tích cực tham gia các phong trào, các cuộc thi do ngành, do các tổ chức đoàn thể đề ra, góp phần cùng tập thể nhà trường đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Do có nhiều thành tích trong quản lí, nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cô vinh dự được nhận  “Huy chương vì sự nghiệp giáo dục”.
Chuyên môn vững vàng, cô vẫn không ngừng phấn đấu học hỏi. Năm 2005, cô được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng trường PT DTNT Bảo Lâm- ngôi trường mà đa số là học sinh là người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ các xã vùng sâu, vùng xa về đây học tập nên khó khăn lại càng khó khăn trên đôi vai của mỗi người thầy cô nơi đây- đảm nhiệm việc phụ trách chuyên môn. Cô luôn gần gũi, giúp đỡ, khuyến khích mọi người cùng nâng cao chất lượng dạy học, chia sẽ cùng đồng nghiệp qua từng tiết dự giờ, thăm lớp, rút ra những phương pháp dạy học tối ưu nhất. Sự nhiệt tình chỉ bảo, uốn nắn, góp ý chân tình của cô đã giúp nhiều giáo viên có chuyên môn ngày càng vững vàng hơn. Do đó, kết quả dạy và học của trường cũng ngày một nâng cao, góp phần đưa nhà trường trở thành trường nội trú tiêu biểu trong toàn tỉnh.  Thành tích của cô đạt được kết hợp cùng với đồng nghiệp đã thúc đẩy phong trào học tập ngày càng thay đổi theo hướng tiến bộ đem lại niềm vui chung cho toàn trường. Từ đó, cô như được nhân thêm sức mạnh để tiếp tục lãnh đạo trường đi lên hơn nữa. Khi có niềm vui cô đem sẽ chia cùng đồng nghiệp, học trò. Những khó khăn, lo lắng  suy nghĩ bao đêm cô đưa ra cùng Ban giám hiệu và đồng nghiệp tham gia góp ý kiến, tìm cách giải quyết. Những lúc ấy, qua trao đổi cách làm việc, sự gần gũi và động viên kịp thời của cô giúp đồng nghiệp thấy như gánh nặng của mình được vơi đi, họ tin tưởng  và sẽ  chia với cô như một người chị, người bạn thân tình. Đối với học sinh, Cô hay quan tâm nhẹ nhàng động viên các em học tập hoặc cả ngay trong sinh hoạt hàng ngày luôn quan sát nhắc nhở: cắt tóc, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, gọn gàng…..giúp các em hoàn thiện hơn. Những lời ân cần của cô như lời mẹ hiền dạy bảo chính những đứa con của mình vậy.
        Cô là tấm gương điển hình của trường trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.Luôn là người đến trường sớm nhất và ra về muộn nhất, cô rất nghiêm túc trong công việc. Cô nhắc nhở các đồng nghiệp và học trò phải luôn có ý thức tiết kiệm của công, cụ thể như dùng điện, nước chỉ dùng khi cần thiết, những lúc ra chơi nên tắt quạt, tắt đèn,… Sống phải giản dị, chan hoà với mọi người xung quanh.
        Trong phong trào“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, cô mạnh dạn đổi mới trong công tác quản lí thông qua giải pháp hữu ích “ Đổi mới quản lí dạy và học ở trường PTDTNT Bảo Lâm” được giải của UBND cấp tỉnh trao tặng. Xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại giáo viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của trường, của địa phương và của ngành giáo dục. Công tác kiểm tra có hiệu quả, không mang tính hình thức. Trong kiểm tra có đánh giá, xếp loại và chỉ ra rõ những việc đã làm được, những việc chưa làm được để giáo viên có hướng sửa chữa, phát huy.
        Dòng thời gian cứ trôi theo qui luật vốn có, giữa bộn bề công việc, bao lo toan đời thường, cô cứ lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người.   Cô luôn được sự ủng hộ của đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và lòng tin yêu của các em học sinh.Chính vì vậy mà trong nhiều năm học qua cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với nổ lực của cô và BGH nhà trường, năm 2012-2013, trường được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc. Ở trường, cô là một hiệu phó tận tuỵ với công việc, về nhà cô quán xuyến gia đình chu đáo, ngăn nắp sạchsẽ , chăm lo cho con cái chu toàn. Không những thế, cô còn lo cho cháu rất chu đáo , từ việc ăn đến việc học. Cô đúng là một người cô một người mẹ hiền rất mực yêu thương con , một người bà hết sức mẫu mực đáng để chúng ta học tập và noi theo. Đối với hàng xóm láng giềng cô luôn sống thân ái, chan hòa nên được mọi người yêu mến kính trọng.
        Cô giáo Nguyễn Thị Tài thực sự là tấm gương sáng trong trường PTDTNT Bảo Lâm và là tấm gương sáng cho chị em phụ nữ nói chung và chị em phụ nữ trường PTDTNT Bảo Lâm nói riêng luôn phấn đấu học tâp và noi theo.Nhân ngày kỉ niệm 83 năm ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10, em xin gửi lời chúc tốt đẹp chân thành tới cô Nguyễn Thị Tài, chúc cô luôn thành công, vui, khỏe để tiếp tục vững bước  trên con đường sự nghiệp mình đã chọn.
                                                                                      Bảo Lâm, ngày 12 tháng 10 năm 2013
                                                                                          Người viết
 
 
 
 
 
                                                                                   Nguyễn Thị Diệu Hạnh
 

Bài viết của Ngọc Nhị Lam.


CUỘC THI VIẾT VỀ CÁN BỘ GIÁO VIÊN CÔNG NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH NỮ TIÊU BIỂU
 
 
Qua 5 năm công tác tại trường PT DTNT Bảo Lâm gần gũi, thân tình tôi nhận ra cô là người mẫu mực đáng quí. Tôi thấy mình cần phải học hỏi và noi theo. Đó là cô  Nguyễn Thị Tài
Với dáng dấp nhỏ nhắn, nói năng nhỏ nhẹ, cộng với sự năng nổ nhiệt tình cô nhanh chóng chiếm được cảm tình của các em học sinh và đồng nghiệp. vào ngành từ năm 1983 tính đến nay cô đã công tác trong ngành giáo dục được 30 năm.
Trong thời kỳ bao cấp của những năm 80-90, để giữ cho được tấm lòng trọn vẹn với nghề thật không dễ dàng. Có không ít người vì đồng lương quá thấp, không nuôi nổi bản thân và gia đình đã phải rời bỏ ngành. Có những thầy cô đã phải uống nước lã lót lòng thay cơm mỗi sáng đến nỗi khi đứng trên bục giảng mà hoa cả mắt, mỏi cả chân. Cô cũng đã trải qua những năm tháng thăng trầm của thời cuộc đó, cũng đã có những ưu tư trăn trở giống như mọi người. Được sự động viên của ngành và của gia đình Cô  tiếp tục hành trình của một nghề giáo. Như người lái đò đưa khách sang sông, mấy ai nhớ đến chuyến đò mình đi qua do ai cầm lái.
Với 30 năm công tác trong nghề. Khi cô là một giáo viên cô luôn chiếm được cảm tình của các em học sinh, và khi cô là một Hiệu phó chuyên môn cô cũng luôn chiếm được cảm tình của nhiều đồng nghiệp. Cô luôn tận tuỵ với nghề nghiệp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, và năm học 2011-2012 cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.Với bao công việc bận rộn với nhà trường và gia đình
Ở cơ quan cô cư  xử  rất tốt với đồng nghiệp, luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ, tác phong giản dị, mẫu mực. Về nhà cô quán xuyến chu đáo, ngăn nắp sạch sẽ chăm lo cho con cái chu toàn. Không những thế cô còn lo cho cháu rất chu đáo từ việc ăn, học. Cô đúng là một người cô, một người mẹ, một người bà hết sức mẫu mực đáng để cho chúng ta học tập và noi theo
Với đức tính cần mẫn, chăm chỉ, kín đáo cô đã để lại trong lòng mọi người sự ngưỡng mộ.
Nhớ lại cách đây 5 năm ngày tôi mới về trường nhận công tác. Là một cán bộ thư viện mới ra trường tuy đã được đào tạo về mặt chuyên môn ở trường nhưng đối với tôi  mọi thứ điều bỡ ngỡ tôi cũng không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu. Là một hiệu phó chuyên môn cô luôn chỉ bảo tận tình nên tôi mới hoàn thành được công tác chuyên môn của mình. Tôi học tập được rất nhiều điều bổ ích từ Cô từ lĩnh vực chuyên môn đến cả những kinh nghiệm sống. Dưới sự dìu dắt của Cô khả năng công tác của tôi ngày được nâng cao.
Ở Cô dù ở mọi khía cạnh nào thì sự tận tâm với công việc là một đức tính cần phải học tập. Cô làm việc không biết mệt luôn gắn bó với công tác của trường bất kể ngày đêm, mưa gió cô vẫn mặc áo mưa đến trường.
Với những đóng góp của Cô chất lượng chuyên môn của trường PT DTNT Bảo Lâm cũng ngày càng được nâng cao. Trường trong  năm học 2012-2013 được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc.
Trong những thành tích trên cống hiến của Cô Hiệu phó chuyên môn  Nguyễn Thị Tài không phải là nhỏ.
Cô Nguyễn Thị Tài là một tấm gương nhà giáo cần phải học tập.
Tôi nghĩ mình phải ngày càng trau dồi học hỏi ngày một cải thiện mình hơn, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục./.
 
 
                                                          Bảo Lâm, ngày 17 tháng 10 năm 2013
                                                                            Người viết
                                                                                            
 
 
                                                                        Ngọc Thị Lam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây