Trường PT DTNT THCS Bảo Lâm

https://dtntbaolam.edu.vn


Túp lều dưới góc cây

Túp lều dưới góc cây

Những ngày đầu năm học ở trường A Ba Chúc có màn gội đầu. Các cô mua thuốc diệt chấy, đưa em ra nhà vệ sinh gội đầu. Thứ nhất để dạy em cách vệ sinh, bao gồm cả gội đầu, rửa mặt, rửa tay chân và cả cách đi vệ sinh vì ở nhà ba mẹ không dạy. Thứ hai, tránh các em lây chấy cho bạn khác.

Có những em đi học mới biết đi dép. Vào trường chân đất, các thầy cô mua dép, dạy em cách mang dép tới trường, thậm chí phải giám sát và nhắc nhở liên tục vì sao phải đi dép. Nhiều em đeo dép quai hậu khó chịu nên hay bỏ dép ra.
Một trong những cách thực hiện “chống bỏ học” là tổ chức thật lớn các ngày hội như tết trung thu, ngày hội kéo co, đá banh nhảy bao bố, học hát, thi văn nghệ, thể dục vào ngày nghỉ, ngày lễ, em nào tiếng Kinh yếu thì thầy cô thu xếp phụ đạo thêm bằng nhiều cách... làm sao để em vì ham vui mà không bỏ trường.

Cuộc sống của những thầy cô ở vùng biên không chỉ có giảng dạy. Mỗi mùa tựu trường là một mùa vận động học sinh đến lớp – bằng nhiều loại hình ngoại giao.

Trước ngày khai giảng, thầy Hồ Văn Nguyên, Hiệu trưởng trường A Ba Chúc ghé xe máy vô nhà hai bé Cẩm Loan và Phong Lan học lớp Một và Hai, nhắc bà nội cháu mai ghé phòng thầy nhận bộ sách giáo khoa thầy tặng. Mẹ hai bé bỏ đi từ nhỏ, bà nội và bố em đều đi làm mướn nuôi ba đứa trẻ.

Thầy mang tới cho bà từ mấy cây cột dựng nhà, hay “sang tôi cho cái bàn, cho cái ghế”. Vợ thầy bán phở, thầy thường bảo vợ nhắn phụ huynh mang nồi sang đây tôi cho ít nước súp về nấu cho bọn nhỏ ăn. Nhưng rồi bà nội hai bé chỉ bảo: “Thầy tốt lắm. Nhưng cái nhà này tôi còn đi ở đậu. Nghèo khổ muốn chết làm sao đi học được”.
 

Thầy Hải trước 'căn nhà' dưới gốc cây của mình.
Thầy Hải trước "căn nhà" dưới gốc cây của mình.
Hoặc như thầy Hải cố giữ “quan hệ ngoại giao” với ông sãi cả, trụ trì của ngôi chùa gần sóc. Ở đây, người Khmer không ai trái lời khuyên của ông. Ông cho họ ngày cưới, ngày làm nhà, khuyên họ đi khám bệnh... như chỗ dựa về tinh thần của cộng đồng này. Cha mẹ nào không cho con đi học, hay bắt con nghỉ học đi làm mướn, thầy Hải đến gặp ông, giải thích và nhờ ông nói với gia đình. Ông Mon đã nói “Để nó ra lớp đi cho thoát nghèo” thì kiểu gì cha mẹ cũng nghe. Người Khmer chỉ tin vào sãi cả của mình.

Thầy Hải đã 38 tuổi, làm việc ở trường A Ba Chúc hơn chục năm, nhưng thầy vẫn chưa đủ tiền làm nhà và chưa dám nghĩ đến chuyện hỏi vợ vì “mình nghèo vầy đâu dám làm khổ lây ai”. Nhà thầy có mấy cái cột chính là thân cây vú sữa và cây gạo. Nhờ mấy cái cây mà các tấm tôn cột vào neo cái nhà lại, gió bão không bị đổ. Vách nhà vừa bằng thân tre và các tấm áo mưa, tấm bạt, lá dừa hay tấm tôn ráp nối. Đêm ngủ mà trời mưa, nước rỏ xuống mặt là chuyện thường.

Các thầy cô giáo trong trường nói cái “tội” lớn nhất của thầy Hải chính là hiền quá. Thầy như cục đất. Làm công việc thì rất nhanh, rất giỏi, không bao giờ kêu ca, ai nhờ cũng giúp. Thầy chuyên giúp các phụ huynh không biết chữ điền hồ sơ và sổ liên lạc cho con. Nhưng vì hiền, nên 40 triệu đồng thầy ki cóp được định làm nhà bị người ta vay, rồi quỵt nợ không trả. Cái xe máy, tài sản đắt giá nhất trong nhà thì mới bị lấy cắp tháng trước. Thầy đi ăn cưới, ăn xong ra không thấy xe đâu. Họ bảo ở huyện này ai cũng biết nhau. Người lấy cắp chắc chắn biết thầy quá hiền nên mới dám lấy xe thầy.

Thầy Nguyên có một bí quyết, ra thành quy định của trường hẳn hoi: riêng học sinh người Chăm và Khmer được nghỉ học vào các ngày tết và lễ hội của dân tộc mình. Ngày thu hoạch các em cũng được nghỉ để đi làm nếu gia đình yêu cầu, mặc dù thầy cô biết các em chưa đến tuổi lao động. Các em người Kinh vẫn đi học bình thường rồi sau này cùng thầy cô kèm lại cho bạn.

Vì sao học sinh ở đây dễ bỏ học? Vì rất nhiều hộ gia đình dạt về từ bên kia biên giới. Hầu hết cha mẹ không nghề nghiệp, không biết chữ, không có đất, không có nhà, nên ở đâu dễ kiếm ăn họ sẽ đưa cả nhà đến đó. Có những em do học yếu nên chán.
 

45
Chao Thét, học sinh trường tiểu học A Ba Chúc.

Tri Tôn là huyện nghèo nhất của An Giang. Cả huyện 8.342 hộ nghèo; 2.347 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Con số này là chưa tính số hộ cận nghèo, ở vùng này chỉ được coi là “hơi khó khăn”. Có 6.300 lao động thất nghiệp, theo báo cáo của huyện.

Địa bàn biên giới An Giang dài 96,6 km giáp hai tỉnh Candal và TaKeo của Campuchia. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học “không ra lớp” trong tỉnh hiện còn rất thấp so với cả nước và khu vực. Số học sinh bỏ học trung bình toàn tỉnh An Giang ở cả ba cấp những năm gần đây lên tới 14% - gấp mười lần trung bình cả nước.

45Bữa sáng kiêm bữa trưa của anh em Chao Thét đựng trong cái rổ nhựa rách, treo trên nóc bếp, còn lại hơn nửa nồi cơm, một quả trứng vịt luộc, hai miếng đậu chiên, bốn cọng rau muống.

Nhà em ở phum Nang Tor, trong một sóc của người Khmer ở huyện Tri Tôn. Ba mẹ Chao Thét làm thuê nên ai gọi là đi, mấy đứa trẻ đã quen ở nhà trông nhau. Nhà em là các thanh tre ghép lại, lợp bằng các miếng tôn, nền đất, “phòng” ngoài cách với phía sau bằng mấy miếng áo mưa.

Tài sản quý nhất là vài bao lúa còn ướt để trang trọng giữa “phòng khách”. Một cái quạt hoa sen bị rách cánh, một cái tivi 14 inch nhưng mở không lên. Buồng trong có hai miếng gỗ gác trên mấy cọc tre để ngủ. Chao Thét cũng không có góc học tập. Ở nhà không ai dạy em học, vì mẹ không biết chữ. Khi rảnh rỗi em đọc bài cho cha mẹ nghe. Tức là, ngoài nhiệm vụ đi học, cậu bé lớp Hai còn có nhiệm vụ đem chữ ở trường về cho hai phụ huynh ở nhà.

Đó là lý do em thích ở trường. Ở trường có bàn ghế để ngồi viết, có các bạn để chơi. Trường cho em đủ thứ, được học, được có sách giáo khoa, được có đồng phục, được chơi.

Nguồn tin: vnexpress.net:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây