Số phận đầy thử thách của chàng trai vượt núi tìm chữ

Thứ tư - 29/08/2018 20:02

em Sờ Có Suy

em Sờ Có Suy
Dường như khát vọng được học, được cống hiến chưa lúc nào ngừng cháy trong con người chàng trai Hà Nhì có số phận éo le, nghèo khó bao năm qua đã vượt rừng, vượt núi đi tìm con chữ.

Gặp tai nạn khi cầm hồ sơ đi xin việc

Ngày 20/8, nằm bất động trên giường bệnh Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư, em Sờ Có Suy (SN 1993, người dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nhăn mặt cố nén từng cơn đau. Đã một tuần kể từ khi bị tai nạn, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai rồi xuống đây, Suy cứ bớt đau, tỉnh dậy là lại hỏi bao giờ được mổ, bao giờ được ra viện, bởi em lo cho buổi lễ bảo vệ luận văn thạc sỹ của mình dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, lo vì “em đã tìm thấy một số cơ quan có thể nộp hồ sơ xin việc mà giờ vẫn nằm đây”.

Suy bị tai nạn trong ngày cầm hồ sơ đi xin việc. Sáng sớm 13/8, Suy đưa cháu gái từ xã Y Tý xuống trường Dân tộc nội trú huyện Bát Xát nhập học năm học mới. Sau khi đưa cháu tới trường, dặn dò và mua sắm cho cháu đồ dùng học tập, Suy đi từ Bát Xát về lối Trịnh Tường để nộp hồ sơ xin việc ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 345 A Mú Sung, thì em bị tai nạn, xe lao xuống ruộng lúa vào buổi trưa nắng.

“Chắc sáng đi sớm, em buồn ngủ quá”, Suy giải thích và kể, cũng không nhớ nổi vì sao bị tai nạn, chỉ biết xe của em không hề va chạm với phương tiện nào và khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Người đi đường nhìn thấy Suy nằm úp mặt ở ruộng lúa ven đường và không nghĩ Suy bị nặng vì người em hầu như không xây xước, chỉ có phần trán bầm dập, bị chảy máu và đôi mắt sưng bầm tím.

Nhưng khi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, Suy được chẩn đoán gãy xương hàm, xương mũi, hai mắt bị tổn thương nặng. Được chuyển xuống Bệnh viện Mắt T.Ư, các bác sỹ xác định hai xương hàm gãy đã chọc vào ổ mắt, nên Suy được chuyển sang Bệnh viện Răng Hàm Mặt để mổ xương hàm, sau đó mới quay trở lại điều trị mắt. Hiện, Suy đang chờ điều trị ổn định để có thể thực hiện ca mổ xương hàm.

“Bác sỹ nói mắt phải của em cơ hội phục hồi cao, còn mắt trái chỉ 5-10% cơ hội phục hồi. “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, em mong mắt phục hồi được, nếu không làm sao em có thể học tiếp, có thể xin việc để nuôi cháu, nuôi mẹ”, Suy nói, khuôn mặt vốn hay cười thoáng nét âu lo.
 

Nhọc nhằn con đường đến trường

Con đường đến với cái chữ của học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao luôn gian nan nhưng con đường của Sờ Có Suy còn khó khăn gấp bội. Nhà Suy nghèo đến độ có 3 con trai, nhưng bố mẹ Suy từng phải cho người anh thứ hai đi làm con nuôi vì không nuôi nổi. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, những nhà xung quanh con cái đều đã nghỉ học lên nương lên rẫy, riêng Suy vẫn miệt mài trên con đường 100km từ nhà xuống TP Lào Cai học trường dân tộc nội trú, một năm chỉ về nhà 2 lần vào dịp hè và Tết. Bố mẹ, anh trai nhiều lần bảo Suy nghỉ học, vì học chỉ thêm tốn gạo, lại hao một nhân lực gia đình, nhưng Suy vẫn kiên trì tới lớp.

“Cả bản em không ai đi học như em, cả xã lác đác được vài người. Bố mẹ từng khuyên em: Thôi con cứ ở nhà làm nương, người ta vẫn làm thế và sống được mà. Nhưng em quyết tâm đi học vì cứ như bố mẹ hay anh, cả đời vất vả vẫn đói nghèo. Em nhớ nhất hồi em mới tốt nghiệp cấp 3, bố em bị tai biến mạch máu não, chị dâu em có bệnh sẵn, thường phải nằm ở nhà. Hè năm ấy, em vừa thi đại học xong, trong lúc đi gặt lúa, anh chị vẫn một mực ngăn em không đi học, tốt nhất là bám ruộng mà sống. Giấy báo nhập học về nhà, em vẫn bị ngăn cản. Em đã phải tuyệt thực, ngồi lì cả ngày để được xuống Hà Nội đi học. Em thèm học lắm”, Suy tâm sự.

Sau đó, bố và chị dâu của Suy lần lượt mất vì trọng bệnh, để lại mẹ và anh trai gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Thương mẹ, thương anh và các cháu, Suy vẫn quyết trụ bám trường, bám lớp. Đỗ đại học, Suy tìm mọi việc làm thuê có tiền gửi về nuôi cháu đỡ anh, đỡ mẹ, từ làm bồi bàn trong quán ăn, trông xe, bán hàng online...

“Hồi ấy, công việc ổn định nhất của em là trông xe trong ký túc xá, được 1 triệu đồng/tháng. Để có tiền gửi về nhà, mỗi bữa ăn thời sinh viên, em chỉ dám tiêu trong 10 nghìn đồng, thậm chí có ngày, phải chia 10 nghìn đồng thành hai bữa ăn”, Suy mỉm cười nhớ lại.

Nhưng dù khó khăn, vất vả, Suy không bao giờ kêu than. Sinh viên Khoa Văn hoá dân tộc thiểu số khoá 2011-2015, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ngày ấy vẫn nhớ, chàng sinh viên người Hà Nhì nhỏ nhắn rất hay cười, cứ hết giờ lên giảng đường là lao đến căng tin trường bán hàng thuê, xuống ký túc xá trông xe thuê mà không nề hà, ngại ngần gì với bạn bè. Cả ngày đi làm thêm, tối đến Suy vẫn chong đèn học. 4 năm đại học, Suy đều là sinh viên giỏi. Ngày ấy, cậu sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số cũng là một trong 12 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vượt tiến độ 1 kỳ của khóa Tín chỉ đầu tiên với 1.000 sinh viên theo học của trường.

Không những thế, Suy vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, khoa. Suy từng là Chủ nhiệm CLB Sinh viên tình nguyện Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số; Phó chủ nhiệm CLB Sinh viên vận động hiến máu tình nguyện của trường. Tốt nghiệp đại học, Suy được nhận làm hợp đồng tại Khoa Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và tiếp tục học lên thạc sỹ. Tháng 6/2018, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cắt giảm chỉ tiêu, Suy bị ngưng hợp đồng và trở về Lào Cai xin việc.

Và ngay ngày đầu tiên cầm hồ sơ xin việc, Suy đã gặp tai nạn thảm khốc.

Thử thách trớ trêu của số phận

Ngồi khẽ nắn chân, xoa tay cho em, anh Sờ Có Vù (SN 1988), anh trai Suy nói ngắt quãng bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi: “Cả nhà chỉ có Suy là biết chữ, còn bố mẹ, các anh đều mù chữ cả. Suy đi học nhưng gửi tiền về lo cho gia đình, bao năm qua đều thế cả. Giờ Suy tai nạn, cả nhà không biết làm sao...”.

Cô Ngô Thị Kim Tuyến, Phó phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội là người thường giúp đỡ Suy từ ngày em còn là sinh viên đã thuê em bán hàng cho kios của gia đình nên biết rất rõ hoàn cảnh khó khăn của Suy. Qua thông tin trên Facebook của các trò cũ, cô Tuyến biết Suy bị tai nạn và cô đã gọi điện, đề nghị Suy xuống Hà Nội điều trị. “Thày cô, bạn bè và cộng đồng sẽ giúp em, trước mắt chi phí cô sẽ lo”, cô Tuyến động viên Suy.

Đưa Suy xuống Hà Nội điều trị, cả nhà vay mượn được 2 triệu đồng đưa anh trai Suy cầm lo chi phí. Anh trai Suy không biết chữ, vốn chỉ quen nói tiếng dân tộc nên cô Tuyến đứng ra lo các thủ tục nhập viện cho cậu sinh viên nghèo học giỏi, mua thức ăn hàng ngày cho cả hai anh em, rồi tạm ứng tiền ca mổ cho Suy. “Dự kiến, chi phí mổ xương quai hàm, xương mũi của Suy là 20 triệu đồng, hiện với sự giúp sức của Báo Giao thông và Câu lạc bộ Thiện nguyện Thanh Tâm (Hà Nam) cùng một vài thày cô, bạn bè của Suy, tiền viện phí đã đủ. Nhưng còn ca mổ mắt sắp tới của Suy, dự kiến chi phí rất lớn, hiện chưa biết trông cậy vào đâu. Nếu không có tiền mổ mắt, Suy sẽ bị mù, tương lai của một cử nhân giỏi, sắp thành thạc sỹ sẽ rất khó khăn. Mong mọi người chung sức giúp Suy không gục ngã, bởi phía sau em còn cả một gánh nặng gia đình”, cô Tuyến kêu gọi.

Nguồn tin: 24h.com.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây